Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Tổ chức Sơ kết ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin


Thực hiện chủ trương ngầm hóa lưới điện của Thành phố, từ các năm 2003-2005, Tổng công ty đã thực hiện thí điểm ngầm hoá lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi. Tuy nhiên, việc ngầm hoá này chưa triệt để, do chỉ mới ngầm hoá lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hoá dây thông tin và chiếu sáng, nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin chưa được cải thiện triệt để.
Qua các kết quả đạt được, Tổng công ty đã triển khai xây dựng đề án “Ngầm hóa lưới điện TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020” với các lộ trình: đến 2015, tỷ lệ lưới điện ngầm đạt 30% lưới trung thế và 20% lưới hạ thế; đến 2020: cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung thế, hạ thế khu vực nội thành với tổng khối lượng đến 2015 là 400km lưới trung thế, 500km lưới hạ thế và 09km lưới 110kV. Trong 31 dự án ngầm hóa đã thực hiện hoàn tất giai đoạn 2011-2013 hiện còn 03 dự án chưa thu hồi được trụ điện do còn chờ các đơn vị viễn thông hoàn tất hạ ngầm dây thông tin. Trong năm 2014-2015, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện 126 công trình. Tuy nhiên, tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế toàn thành phố đến cuối năm 2015 chưa đạt so với chỉ tiêu đã đề ra (20% đến 2015). Nguyên nhân chủ yếu do việc chậm triển khai các khu dân cư, khu đô thị mới theo quy hoạch giai đoạn 2011-2015.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

Cũng trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo ngầm hóa lưới điện Tổng công ty đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin giai đoạn đến năm 2015 (bao gồm các hạng mục ngầm hóa lưới điện cao, trung, hạ thế và XDM trạm ngắt, nối tuyến, phát tuyến) và đã báo cáo UBND thành phố thông qua, đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, FPT, SCTV, Tradincorp,…) để phối hợp ngầm hóa dây thông tin đồng bộ. Về việc huy động vốn thực hiện các dự án ngầm hóa, UBND thành phố đã phê duyệt hỗ trợ lãi suất cho 19 dự án ngầm hóa khởi công năm 2012 và 17 dự án ngầm hóa khởi công năm 2013 (đợt 1). Hiện Tổng công ty đang tiếp tục phối hợp Sở Kế hoạch và Đâu tư trình thành phố phê duyệt danh mục hỗ trợ lãi suất cho 19 dự án khởi công năm 2013 (đợt 2) còn lại. Tổng công ty cũng đã xây dựng và ban hành các quy chuẩn ngầm hóa, giải pháp kỹ thuật chính, các thiết kế điển hình; xây dựng và đề xuất cơ chế khuyến khích đầu tư nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin.

Trong thời gian đầu, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ đầu tư dẫn đến tình trạng có nơi lưới điện đã được ngầm hóa nhưng vẫn còn dây thông tin treo trụ điện hoặc ngược lại nên hiệu quả công tác ngầm hóa và mỹ quan đô thị không cao. Tuy nhiên, qua việc ký kết Quy chế phối hợp với các đơn vị viễn thông, Tổng công ty đã xây dựng được Quy chế phối hợp triển khai các dự án ngầm hóa mạng cáp viễn thông kết hợp với ngầm hóa lưới điện trên địa bàn TPHCM, làm cơ sở để các đơn vị Điện lực và viễn thông phối hợp triển khai thực hiện; từng bước tháo gỡ bất đồng trong quan điểm về xác định đơn giá cho thuê ống luồn cáp của các doanh nghiệp viễn thông; hỗ trợ các doanh nghiệp mới (như FPT, SCTV) chưa có nhiều kinh nghiệm và thực tế trong quản lý thực hiện dự án ngầm hóa. Thực tiễn việc tổ chức ngầm hóa lưới điện do không được thực hiện riêng lẽ mà phải triển khai đồng bộ với hệ thống dây thông tin, chiếu sáng, thậm chí hệ cả thống cấp thoát nước,... với sự giám sát, điều phối của các Sở ngành chức năng của Thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông chưa chú trọng công tác ngầm hóa dây thông tin đồng bộ với lưới điện do có quan điểm: ngầm hóa là trách nhiệm của Điện lực.

Đối với công tác thỏa thuận tuyến, vị trí lắp đặt thiết bị còn chậm do thủ tục đồng bộ của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng viễn. Mặc khác, các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đều xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành (yêu cầu đi riêng và có hành lang bảo vệ riêng) nên chiếm nhiều diện tích bố trí mặt bằng ngầm trên lề đường/lòng đường. Đồng thời, hành lang bố trí công trình ngầm hóa thường đi qua nhiều tuyến đường, bao gồm cả dưới lòng đường và trên vỉa hè nên phải gửi nhiều hồ sơ thỏa thuận tuyến, vị trí trồng trụ, lắp đặt thiết bị đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau theo phân cấp. Về công tác xây dựng bình đồ công trình ngầm còn gặp nhiều khó khăn chủ yếu do kinh phí thực hiện thăm dò và lập bình đồ công trình ngầm. Trong đó, định mức chi phí tư vấn theo quy định không có chi phí dò tìm công trình ngầm bằng máy dò chuyên dụng của ngành giao thông. Về công tác phối hợp chọn chung nhà thầu thi công đào tái lập mặt đường cũng còn một số tồn tại như: Phải phân chia gói thầu để đảm bảo thủ tục chỉ định thầu đúng quy định của Luật đấu thầu; Kéo dài thời gian chọn thầu do phát sinh thêm thời gian lập hồ sơ chỉ định thầu của bên còn lại; Đơn giá dự toán trúng thầu (của bên điện) không có một số hạng mục của viễn thông và ngược lại, dẫn đến kéo dài thời gian thương thảo theo đơn giá chỉ định thầu (kéo dài 1-2 tháng), thậm chí phải hủy kết quả đấu thầu do thương thảo không thành.

Về công tác phối hợp quản lý tiến độ, chất lượng công trình còn một số tồn tại chủ quan như: giấy phép đào đường chỉ cấp theo từng đợt với thời hạn 21 ngày; việc rút ngắn quy định mất điện khách hàng từ 1 tháng/lần còn 3 tháng/lần cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án, do lưới điện một số khu vực chưa hoàn tất kết nối mạch vòng, phân đoạn toàn bộ. Về công tác phối hợp hạ ngầm dây thông tin có một số tồn tại như: Cơ quan quản lý nhà nước là đấu mối chủ trì giải quyết các vướng mắc và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc chấp hành hạ ngầm dây thông tin; Số lượng doanh nghiệp kinh doanh viễn thông trên địa bàn thành phố nhiều, trong khi việc hạ ngầm dây thông tin được bàn giao mặt bằng lần lượt cho từng đơn vị thực hiện, dẫn đến kéo dài thời gian; Chậm trễ trong việc thỏa thuận thống nhất đơn giá thuê ống (hoặc sợi) để hạ ngầm dây thông tin.

Qua các tồn tại, vướng mắc nêu trên, Tổng công ty điện lực kiến nghị UBND thành phố cho nâng cấp Ban chỉ đạo ngầm hóa hiện nay lên cấp thành phố với sự tham gia của lãnh đạo các Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Thông tin Truyền thông để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Kiến nghị giao Sở Giao thông Vận tải là đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo cơ chế một cửa trong công tác thỏa thuận tuyến, vị trí trồng trụ, lắp đặt thiết bị, cấp phép thi công. Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối tổ chức thăm dò công trình ngầm bằng máy dò chuyên dụng tại các tuyến đường theo kế hoạch ngầm hóa lưới điện và dây thông tin. Về công tác thỏa thuận phương án, thẩm tra thiết kế, kiến nghị rút ngắn thời gian thẩm tra thiết kế hoặc xem xét cho Tổng Công ty chủ động phê duyệt và triển khai thực hiện theo thiết kế mặt cắt công trình đã được Sở Giao thông vận tải phê duyệt. Về xã hội hóa đầu tư và huy động vốn đầu tư, kiến nghị Chủ đầu tư các công trình giao thông có trách nhiệm đầu tư hệ thống mương, hào kỹ thuật để bố trí lắp đặt các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm theo như quy định; ban hành các chính sách hỗ trợ để kêu gọi xã hội hóa đầu tư, hoặc triển khai hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) trong việc đầu tư hệ thống mương, hào kỹ thuật để cho thuê bố trí ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin.

Nguồn: Tổng công ty Điện lực Tp. HCM

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Hiệu quả từ công tác ngầm hoá lưới điện, dây thông tin trên địa bàn TP.HCM

Hiệu quả từ công tác ngầm hoá lưới điện, dây thông tin trên địa bàn TP.HCM

(VTV9)- Sau 3 năm thực hiện đề án “Ngầm hoá hệ thống lưới điện, kết hợp ngầm hoá dây thông tin trên địa bàn”, ngành điện lực và các đơn vị viễn thông TPHCM đã thực hiện khá tốt công tác hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật, quản lý tập trung hệ thống công trình ngầm kỹ thuật, vừa an toàn vận hành, vừa tạo mỹ quan đô thị.
 
Đây được coi là bước đột phá của Ban chỉ đạo đề án trong việc xã hội hoá đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ các công trình. 
 
Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một trong những tuyến đường đầu tiên của TP. HCM được triển khai ngầm hoá lưới điện, dây thông tin. Đây cũng là một trong những yếu tố, để tuyến đường này được coi là bộ mặt của Thành phố về mỹ quan đô thị.
 
Ông Trần Văn Thường, 279 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, F.7, Q.3, TP. HCM cho biết, “cái ngầm hoá này rất an toàn cho người dân, thứ nhất là mỹ quan đô thị không có màng nhện như các chỗ khác. Đề nghị Nhà nước làm thêm nhiều tuyến đường như vậy để TP mình ngày càng đẹp hơn.”
 
Hiệu quả từ công tác ngầm hoá lưới điện, dây thông tin trên địa bàn TP.HCM
 
Trong giai đoạn thực hiện đề án 2011-2013, ngành điện lực TP. HCM đã ngầm hoá được gần 160 km lưới điện. Các đơn vị phối hợp như viễn thông và chiếu sáng cũng hoàn thành nhiều công trình và đạt tiến độ đề ra. Đóng góp không nhỏ vào thành tích này là công tác xã hội hoá hạ tầng, qua đó hạn chế tình trạng đào, lấp nhiều lần khiến dư luận bức xúc.
 
Ông Phạm Quốc Bảo, phó TGĐ Tổng Cty Điện lực TP. HCM cho biết, “điều kiện ngầm hoá là phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm mương, hào để tái bố trí công trình điện và viễn thông vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật này. Để thực hiện công tác này thì đòi hỏi khối lượng công trình rất lớn và quan trọng nhất là phải làm sao tập hợp được các đơn vị dây thông tin vào trong hệ thống này” 
 
Tuy thực hiện có hiệu quả, nhưng trong Hội nghị sơ kết vừa qua, Điện lực Thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn có những hạn chế trong việc phối hợp với các đơn vị viễn thông, chiếu sáng, và các Sở, ngành liên quan. Do đó, ngành Điện lực đề xuất nâng cấp Đề án “Ngầm hoá hệ thống lưới điện, kết hợp ngầm hoá dây thông tin” lên cấp Thành phố, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND thành phố mới có thể đẩy nhanh tiến độ. 
 
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, “ban chỉ đạo cấp TP chỉ đạo nó sẽ tập trung hơn trong phối hợp, điều hành bởi vì đây là 1 công việc hết sức phức tạp giữa điện lực và hơn 20 đơn vị viễn thông. Nếu như có ban chỉ đạo thì nó sẽ tốt hơn trong thời gian tới.”
 
Mục tiêu giai đoạn 2014-2015 của đề án hết sức nặng nề, với khối lượng cần ngầm hóa gần 1000 km lưới điện. Chính vì vậy, UBND TP. HCM đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thành phố sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách tạo thuận lợi tốt nhất cho quá trình thi công .Với quyết tâm này, đến năm 2020, TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành việc ngầm hóa lưới điện và dây thông tin treo cột kéo dài nhiều năm trên địa bàn.
 Nguồn: VTV9               

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Gần 160 km lưới điện ở TP HCM đã được ngầm hóa

Gần 160 km lưới điện ở TP HCM đã được ngầm hóa

Ngành điện lực TP HCM đã ngầm hóa được 157,5 km lưới điện trong hai năm qua. Mục tiêu 6 năm nữa sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện ở khu vực nội thành.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa hệ thống dây thông tin trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2011-2013 tổ chức sáng 4/6, ngành điện lực thành phố cho biết, tỷ lệ ngầm hóa đến nay đạt 28% lưới điện trung thế, 10,6% lưới điện hạ thế. Nhiều khu vực đạt tỷ lệ ngầm hóa cao như quận 1, 3 đạt 82%; quận 5 (75%); Phú Nhuận (60%)...
ngamhoa-1367029011-500x0.jpg
Lưới điện trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) đã được ngầm hóa tạo không gian thông thoáng và an toàn hơn.
Trong giai đoạn 2014-2015, ngành điện lực thành phố tiếp tục triển khai thực hiện 116 công trình ngầm hóa và dự kiến đến cuối 2015 thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (445/400 km trung thế; 691/500 km hạ thế; 11,7/9 km cáp ngầm 110kV). Đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết, ngầm hóa lưới điện giúp việc cung ứng điện an toàn hơn, không gian thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị. Khi các đơn vị cùng phối hợp thực hiện đã hạn chế tình trạng "đào - lấp" nhiều lần khiến dư luận bức xúc. "Thành phố khuyến khích các đơn vị tích cực thực hiện các dự án ngầm hóa và sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách tạo thuận lợi tốt nhất cho quá trình thi công", ông Hà cho biết.
Đề án ngầm hóa lưới điện TP HCM đến năm 2020 của Điện lực thành phố được UBND TP HCM thông qua vào năm 2011, gồm 2 giai đoạn. Từ 2011 đến 2015 tập trung ngầm hóa dây trung, hạ thế và dây thông tin trên các tuyến hẻm khu vực trung tâm quận 1, 3; Từ 2015 đến 2020 hoàn tất ở các quận huyện còn lại trên địa bàn.
Theo đề án, trong thời gian này sẽ có gần 5.000 km "mạng nhện" sẽ được đưa xuống lòng đất. Điện lực TP HCM đánh giá đây là khối lượng công việc rất lớn với 341 công trình. Tổng kinh phí cho đề án lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm cần đến 1.000 tỷ đồng cho việc ngầm hóa cáp (cáp điện lực và cáp viễn thông).
Nguồn: Vnexpress.net