Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Gần 160 km lưới điện ở TP HCM đã được ngầm hóa

Gần 160 km lưới điện ở TP HCM đã được ngầm hóa

Ngành điện lực TP HCM đã ngầm hóa được 157,5 km lưới điện trong hai năm qua. Mục tiêu 6 năm nữa sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện ở khu vực nội thành.
Tại hội nghị sơ kết thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa hệ thống dây thông tin trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2011-2013 tổ chức sáng 4/6, ngành điện lực thành phố cho biết, tỷ lệ ngầm hóa đến nay đạt 28% lưới điện trung thế, 10,6% lưới điện hạ thế. Nhiều khu vực đạt tỷ lệ ngầm hóa cao như quận 1, 3 đạt 82%; quận 5 (75%); Phú Nhuận (60%)...
ngamhoa-1367029011-500x0.jpg
Lưới điện trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) đã được ngầm hóa tạo không gian thông thoáng và an toàn hơn.
Trong giai đoạn 2014-2015, ngành điện lực thành phố tiếp tục triển khai thực hiện 116 công trình ngầm hóa và dự kiến đến cuối 2015 thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (445/400 km trung thế; 691/500 km hạ thế; 11,7/9 km cáp ngầm 110kV). Đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà cho biết, ngầm hóa lưới điện giúp việc cung ứng điện an toàn hơn, không gian thông thoáng, góp phần cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị. Khi các đơn vị cùng phối hợp thực hiện đã hạn chế tình trạng "đào - lấp" nhiều lần khiến dư luận bức xúc. "Thành phố khuyến khích các đơn vị tích cực thực hiện các dự án ngầm hóa và sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách tạo thuận lợi tốt nhất cho quá trình thi công", ông Hà cho biết.
Đề án ngầm hóa lưới điện TP HCM đến năm 2020 của Điện lực thành phố được UBND TP HCM thông qua vào năm 2011, gồm 2 giai đoạn. Từ 2011 đến 2015 tập trung ngầm hóa dây trung, hạ thế và dây thông tin trên các tuyến hẻm khu vực trung tâm quận 1, 3; Từ 2015 đến 2020 hoàn tất ở các quận huyện còn lại trên địa bàn.
Theo đề án, trong thời gian này sẽ có gần 5.000 km "mạng nhện" sẽ được đưa xuống lòng đất. Điện lực TP HCM đánh giá đây là khối lượng công việc rất lớn với 341 công trình. Tổng kinh phí cho đề án lên tới hơn 14.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm cần đến 1.000 tỷ đồng cho việc ngầm hóa cáp (cáp điện lực và cáp viễn thông).
Nguồn: Vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét